Khảo sát thị trường là bước khởi đầu trong quá trình doanh nghiệp khám phá tiềm năng của thị trường và khách hàng mục tiêu.
Vậy khảo sát thị trường là gì? Làm sao để triển khai một cuộc khảo sát thị trường hiệu quả và cho ra kết quả tối ưu nhất? Hãy cùng chúng mình khám phá ngay trong bài viết này.
1. Khảo sát thị trường là gì?
Khảo sát thị trường là quá trình thu thập và phân tích thông tin liên quan tới một thị trường cụ thể, bao gồm khách hàng mục tiêu, đối thủ cạnh tranh, sản phẩm/dịch vụ,v.v.
Qua đó, doanh nghiệp sẽ xây dựng định hướng phù hợp, triển khai chiến lược hiệu quả, nhằm hướng đến sự phát triển bền vững và lâu dài trong tương lai.
Mục đích của khảo sát thị trường
Thấu hiểu khách hàng
Khảo sát giúp xác định nhu cầu và mong muốn thực tế của khách hàng. Đồng thời, hiểu rõ hơn về xu hướng tiêu dùng, khả năng tài chính và thói quen của khách hàng.
Từ đó, doanh nghiệp có thể phác hoạ rõ nét chân dung khách hàng và đề nghị sản phẩm hoặc dịch vụ đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường.
Khảo sát đối thủ cạnh tranh
Mục đích của khảo sát thị trường nhằm thu thập thông tin của đối thủ cạnh tranh như điểm mạnh/yếu hoặc chiến lược đang thực thi của họ.
Mặt khác, giúp đánh giá vị thế của doanh nghiệp trên thị trường cạnh tranh, xây dựng chiến lược và định vị thương hiệu hiệu quả.
Phát hiện cơ hội mới
Từ những thông tin khảo sát, doanh nghiệp có thể khai thác những vấn đề chưa từng xuất hiện và nhận diện các cơ hội kinh doanh mới.
Qua đó, mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm mới hoặc cải thiện dịch vụ hiện tại.
Giảm thiểu rủi ro
Doanh nghiệp có thể đánh giá khả năng sinh lời và rủi ro khi đầu tư vào một thị trường sau khi xác định được quy mô và tiềm năng của thị trường đó.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng dự đoán được các thay đổi và xu hướng, từ đó có kế hoạch phòng ngừa rủi ro kịp thời.
2. Thời điểm cần khảo sát thị trường
2.1. Khảo sát thị trường trước khi khởi nghiệp
Trước khi thành lập doanh nghiệp, cần xác định liệu người tiêu dùng có nhu cầu mua hoặc sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn hay không.
Khảo sát cũng nhằm đánh giá thị trường cạnh tranh và xác định điểm mạnh/yếu của chính doanh nghiệp cũng như đối thủ tiềm năng.
2.2. Mở rộng thị trường
Bước chân vào thị trường mới đòi hỏi cần có hiểu biết về tình hình kinh tế, chính trị, nhu cầu khách hàng cũng như đối thủ trong thị trường.
Doanh nghiệp sẽ giảm thiểu được rủi ro không đáng có sau khi tiến hành khảo sát. Bên cạnh đó, đánh giá được tiềm năng của thị trường trước khi gia nhập.
2.3. Tung sản phẩm mới
Khảo sát thị trường giúp đánh giá phản ứng của khách hàng đối với sản phẩm mới trước khi phát triển và ra mắt thị trường.
Bên cạnh đó, tiến hành thử nghiệm mẫu sản phẩm với một nhóm nhỏ đối tượng mục tiêu để thu nhận phản hồi và điều chỉnh phù hợp.
2.4. Bắt đầu chiến dịch mới
Doanh nghiệp cần nắm rõ khách hàng mục tiêu là ai và nhu cầu của họ ra sao trước khi triển khai chiến dịch.
Từ đó điều chỉnh thông điệp sao cho hiệu quả cũng như lựa chọn kênh truyền thông phù hợp nhằm tối ưu hóa chiến lược.
3. Một số phương pháp khảo sát thị trường
3.1. Khảo sát trực tuyến
Sử dụng các công cụ như Google Forms, SurveyMonkey để thu thập ý kiến và mong muốn của khách hàng.
Khảo sát có thể được phân phối trên đa dạng kênh như email, mạng xã hội hoặc website nhằm tiếp cận phạm vi rộng các đối tượng.
Đây là phương pháp đơn giản, nhanh chóng, tốn ít chi phí và dễ dàng phân tích dữ liệu. Tuy nhiên, đôi khi sẽ thu nhận những kết quả không đáng tin cậy.
3.2. Phỏng vấn trực tiếp
Mục đích chính của phỏng vấn trực tiếp nhằm quảng cáo sản phẩm, thường tiếp cận lượng lớn khách hàng ở khu vực đông dân cư.
Kết quả khảo sát không chỉ là những câu trả lời thu nhận được mà còn đánh giá dựa trên thái độ, cảm xúc và ngôn ngữ hình thể của người tham gia.
Phương pháp này tuy tốn kém và mất thời gian hơn, nhưng mang lại kết quả chất lượng cao.
3.3. Phỏng vấn nhóm
Phỏng vấn nhóm được tổ chức dưới sự tham gia từ 6 đến 10 người để cùng nhau thảo luận và đưa ra ý tưởng về sản phẩm, dịch vụ, concept và chiến dịch marketing.
Hình thức này mang lại hiệu quả tốt bởi các ý kiến được đưa ra là kết quả của quá trình tương tác giữa các đối tượng khảo sát trong cuộc phỏng vấn.
Ngoài ra, nó dễ dàng thực hiện không đòi hỏi chuyên môn cao cũng như chi phí thấp do không cần sử dụng nhiều nhân lực hay thiết bị.
Nhìn chung, đây là phương pháp phù hợp với quy mô doanh nghiệp nhỏ có ngân sách hạn chế nhưng vẫn cho ra kết quả nhanh chóng.
3.4. Quan sát hành vi khách hàng
Phương pháp này cung cấp cho doanh nghiệp cái nhìn chân thực về hành vi của khách hàng trong môi trường tự nhiên mà không bị ảnh hưởng bởi câu hỏi khảo sát.
Tuy nhiên, sẽ khó thu thập thông tin chi tiết về động cơ và lý do đằng sau hành vi.
Doanh nghiệp cũng có thể chuẩn bị trước kịch bản, lập tình huống giả định để thu thập thông tin tốt hơn.
3.5. Thử nghiệm
Doanh nghiệp thực hiện thử nghiệm bằng cách tổ chức cuộc khảo sát tại một địa điểm cụ thể, nơi mà trong tầm kiểm soát của doanh nghiệp.
Thông qua những thông tin cũng ngôn ngữ hình thể khách hàng cung cấp có thể thu thập dữ liệu chính xác hơn. Phương pháp này phù hợp để đánh giá phản ứng của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ hoặc chiến dịch marketing.
4. Quy trình thực hiện khảo sát thị trường
4.1. Xác định mục tiêu khảo sát thị trường
Trước hết, cần xác định mục tiêu cụ thể để đảm bảo quá trình khảo sát đi theo đúng hướng và cho ra kết quả chính xác, tránh sai lệch so với dự định ban đầu.
Ví dụ, mục tiêu khảo sát của bạn nhằm đánh giá sự hài lòng của khách hàng, đo lường phản ứng của người tiêu dùng đối với sản phẩm mới hoặc tìm hiểu xu hướng thị trường.
4.2. Chọn phương pháp khảo sát
Tùy vào mức độ nghiên cứu để đánh giá và đưa ra lựa chọn phương pháp khảo sát phù hợp. Cần xem xét các yếu tố như mục tiêu cụ thể là gì, đối tượng khách hàng là ai, ngân sách và tài nguyên ra sao.
4.3. Thu thập thông tin khảo sát
Đây là bước sẽ tiến hành triển khai phương pháp khảo sát thị trường đã chọn để thu thập thông tin dữ liệu.
Mọi câu trả lời hoặc thái độ, hành vi của khách hàng đều được ghi nhận lại.
4.4. Phân tích dữ liệu
Doanh nghiệp sẽ tổng hợp, phân tích và đánh giá thông tin để cho ra dữ liệu hoàn chỉnh.
Sử dụng các công cụ và phần mềm phân tích dữ liệu để phân tích các câu hỏi định lượng như số liệu thống kê, biểu đồ, v.v. Đối với dữ liệu định tính, tiến hành phân tích nội dung để nhận biết xu hướng và đánh giá thị trường hiện tại.
4.5. Đưa ra kết quả
Đây là bước đưa ra kết quả tổng hợp cuối cùng, bao gồm các đánh giá chính, biểu đồ, bảng số liệu và khuyến nghị.
Từ đó, xác định được xu hướng thị trường và triển khai hành động, chiến lược dựa trên kết quả khảo sát.
5. Sai lầm khi khảo sát thị trường
5.1. Khảo sát thị trường sai đối tượng
Việc xác định đối tượng mục tiêu là bước đầu tiên quan trọng. Bởi, nếu khảo sát nhầm người sẽ tạo ra dữ liệu không chính xác, phản ánh không đúng tình hình thị trường hướng tới.
Điều này gây ảnh hưởng tới chất lượng dữ liệu và dẫn đến các hoạt động về sau đều đi sai hướng mục tiêu.
5.2. Quy mô khảo sát thị trường không phù hợp
Nếu quy mô khảo sát quá nhỏ có khả năng dẫn tới kết quả phản ánh không đầy đủ dữ liệu cần thiết.
Ngược lại, quy mô khảo sát quá rộng sẽ gây lãng phí thời gian và chi phí vào những khảo sát không mang lại giá trị đáng kể.
Vì vậy, hãy tính toán và xem xét cẩn thận để tổ chức quy mô khảo sát hợp lý, mang lại hiệu quả thực sự.
5.3. Câu hỏi không rõ ràng
Câu hỏi không rõ ràng, không liên quan hoặc quá phức tạp sẽ khiến người tham gia trả lời sai hoặc không đúng trọng tâm, dẫn đến dữ liệu không chính xác.
Cần thiết kế câu hỏi ngắn gọn, cụ thể và dễ hiểu, đảm bảo liên quan trực tiếp đến mục tiêu khảo sát và không có bất cứ yếu tố nào gây ra thành kiến hoặc hiểu nhầm.
5.4. Thiếu sự linh hoạt
Khảo sát có thể không thu thập được thông tin chính xác và đầy đủ nếu quá trình thực hiện không được điều chỉnh phù hợp.
Khi gặp vấn đề hoặc phản hồi bất thường, cần phải tối ưu lại hoặc bổ sung câu hỏi. Mặt khác, có thể kết hợp nhiều phương pháp khảo sát khác nhau hoặc thay đổi nếu cần.
Lời kết
Trên đây là tổng quan về khảo sát thị trường cũng như một số thông tin liên quan như phương pháp, quy trình thực hiện và một vài lưu ý khi triển khai khảo sát thị trường.
Hy vọng rằng bài viết trên sẽ giúp ích cho doanh nghiệp của bạn trong quá trình khảo sát thị trường hiệu quả trước khi tiến hành dự án kinh doanh.