Dự đoán xu hướng kinh tế Việt Nam 2024

Mục lục

Bước sang năm 2024, kinh tế Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức mới mẻ, hứa hẹn những chuyển biến sâu rộng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự thay đổi nhanh chóng của thị trường quốc tế, Việt Nam không chỉ là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài mà còn đang phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo.

Dưới áp lực cần phải thích nghi với những thay đổi do đại dịch toàn cầu và xu hướng số hóa, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang bắt đầu thực hiện những bước đi quyết đoán nhằm đổi mới mô hình kinh doanh cùng các chiến lược marketing mới lạ, tập trung vào sự phát triển bền vững và hướng tới một tương lai số hóa toàn diện. Vậy, nền kinh tế Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào vào năm 2024, và những yếu tố nào sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển này?

Bối cảnh kinh tế Việt Nam

Mặc dù kỳ vọng phục hồi kinh tế rõ nét hơn trong 9 tháng đầu năm 2023, mức tăng trưởng GDP năm 2023 cho thấy kết quả thấp hơn kỳ vọng của 9 tháng đầu năm 2023. Các chuyên gia kỳ vọng nền kinh tế của Việt Nam tiếp tục cải thiện đà phục hồi trong năm tới và kế hoạch tăng trưởng GDP của chính phủ Việt Nam đạt 6,5% so với cùng kỳ vào năm 2024.

Biểu đồ tăng trưởng GDP hàng quý và theo ngành – Nguồn: TCTK, VNDirect Research

Biểu đồ tăng trưởng đồng USD và tỷ giá USD/VND – Nguồn: Bloomberg, VNDirect Research

Áp lực tỷ giá tăng lên trong ngắn hạn nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Tỷ giá USD/VND tăng cao, cùng áp lực tỷ giá tiếp tục gia tăng trong tháng 9 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt do áp lực từ mức lãi suất cao của Fed đưa ra trong năm 2023. Ngoài ra lạm phát đang có dấu hiệu tăng trở lại tại Việt Nam.

Trong nước, chính phủ đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Nhiều giải pháp được tích cực triển khai như:

  • Giảm mặt bằng lãi suất cho vay,
  • Ổn định thị trường ngoại hối,
  • Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công,
  • Triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực,
  • Miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp,
  • Gia hạn visa cho khách du lịch,
  • Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản,
  • Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.

Theo đó, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá hàng hóa tăng giảm đan xen. Bình quân 9 tháng năm 2023, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm 2022; lạm phát cơ bản tăng 4,49%.

Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam

Với các định hướng chính sách trên, chúng ta có thể thấy rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ có động lực tăng trưởng chính trên thị trường dựa vào đầu tư công xuất khẩu, đầu tư công và vốn đầu tư FDI.

Động lực phát triển cho Việt Nam 2024

Đầu tư công

Tính đến hết Quý 3 năm 2023, việc giải ngân vốn đầu tư công đã đạt 58% kế hoạch năm, và dự kiến sẽ được đẩy mạnh trong Quý 4 để đạt ít nhất 95% mục tiêu, với tổng giá trị là 711,684 tỷ VND theo kế hoạch của Quốc hội. Đáng chú ý, đầu tư công đã tăng vọt 273% so với Quý 2, với 183,000 tỷ VND đã được giải ngân, phản ánh sự cải thiện mạnh mẽ trong việc triển khai vốn.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách nhà nước cũng tăng trong 9 tháng đầu năm do chính sách đầu tư công được chính phủ thúc đẩy và việc triển khai các gói kích thích tài chính nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Tình hình nợ công ổn định, giảm từ 51% GDP năm 2016 xuống còn 38% vào cuối năm 2022, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng chính sách tài khóa. Chính phủ cũng đã khởi công các dự án hạ tầng giao thông quan trọng trong Quý 3, bao gồm Đường vành đai 4 Hà Nội và Đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, với dự kiến ngân sách đầu tư lớn cho giai đoạn 2023-2027.

Biểu đồ tăng trưởng vốn đầu tư công – Nguồn: TCTK, VNDirect Research

Biểu đồ tăng trưởng vốn đầu tư công thực hiện – Nguồn: TCTK, VNDirect Research

FDI

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 3 năm 2023, với một bước tiến đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo, không chỉ số vốn đăng ký mà cả số vốn thực tế giải ngân cũng cho thấy sự cải thiện, đặc biệt là số lượng dự án mới được cấp phép đã tăng vọt. Sự phục hồi của nhu cầu tại các thị trường phát triển, cùng với việc kiểm soát được lạm phát và giảm hàng tồn kho, đã khuyến khích nhiều doanh nghiệp FDI lên kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Đặc biệt, với tiềm năng từ trữ lượng đất hiếm, Việt Nam cũng đang trở thành điểm thu hút đầu tư cho ngành bán dẫn. Sự cải thiện trong dòng vốn FDI là một động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy quá trình hồi phục kinh tế của quốc gia, tiếp tục nối tiếp thành tích với mức vốn FDI giải ngân kỷ lục vào năm trước.

Biểu đồ tăng trưởng vốn FDI giải ngân, FDI đăng ký và danh sách và tỷ lệ dự án FDI- Nguồn: TCTK, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VNDirect Research

Xuất khẩu

Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại đáng kể với con số vượt quá 20 tỷ USD, và xuất khẩu đã bắt đầu hồi phục, mang lại tín hiệu lạc quan trong tháng 9 năm 2023. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu trong tháng này đã tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu sự tăng trưởng đầu tiên kể từ tháng 3. Sự phục hồi xuất khẩu này một phần được đẩy mạnh nhờ nhu cầu gia tăng dành cho điện thoại thông minh Việt Nam từ quý 4 năm 2023, một ngành hàng chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng giá trị xuất khẩu năm 2022.

Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu vẫn ghi nhận sự sụt giảm 8.5% so với cùng kỳ. Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu các thị trường xuất khẩu của Việt Nam, theo sau là Trung Quốc và Hồng Kông, cũng như các thị trường E7 và ASEAN với những biến động theo từng năm.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt như thép, gạo, phương tiện vận tải và linh kiện, sợi dệt, hàng điện tử và máy tính đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng. Trong khi đó, một số ngành hàng khác như dầu thô, hóa chất, giày dép, cao su, và dệt may lại gặp khó khăn với xu hướng giảm giá trị xuất khẩu. Các báo cáo kỳ vọng rằng sự phục hồi trong xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới nhờ vào những triển vọng kinh tế lạc quan hơn từ Hoa Kỳ, giảm áp lực tồn kho và lạm phát ở các nước phát triển, cùng với nhu cầu thay thế điện thoại thông minh đang gia tăng.

Biểu đồ tăng trưởng xuất khẩu theo năm và giữa các quốc gia – Nguồn: Tổng cục Hải quan, VNDirect Research

Bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam

Tình hình doanh nghiệp năm 2023

Biểu đồ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế theo ngành Quý 3 năm 2023 – Nguồn: FiinPro-X Platform

Trong bối cảnh kinh tế năm 2023, thị trường Việt Nam chứng kiến diễn biến hai mặt với những thăng trầm đáng chú ý. Lợi nhuận sau thuế của toàn thị trường tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh một nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi sau các biến động. Điểm sáng đáng kể đến từ sự bứt phá của các ngành dầu khí, tài nguyên cơ bản và dịch vụ tài chính, nơi các doanh nghiệp đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội và tận dụng hiệu quả nguồn lực để mở rộng quy mô và nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Mặt khác, làn sóng cắt giảm nhân sự bắt đầu từ cuối năm 2022 và tiếp tục vào đầu năm 2023 đã tạo ra tác động tiêu cực đến tâm lý tiêu dùng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các ngành hàng tiêu dùng như bán lẻ, hàng cá nhân và gia dụng, khiến cho kết quả kinh doanh của họ không đạt như kỳ vọng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng năm nay có khả năng là đáy lợi nhuận của các doanh nghiệp trên. Với những diễn biến này, nền kinh tế Việt Nam đang chia cắt thành hai mảng: các dịch vụ tài chính là sự hồi phục tốt và một bên là sự lao dốc không phanh của ngành bán lẻ và tiện ích. Dự báo cho năm 2024, các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp cần phải nhanh chóng thích ứng và đưa ra những chiến lược linh hoạt để không chỉ vượt qua thách thức mà còn tận dụng tối đa những cơ hội phát triển tiềm năng, giữ được sự phát triển tốt cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nghiên cứu gần đây của SEFA DI chỉ ra rằng, trong bối cảnh kinh doanh hiện nay, các doanh nghiệp đã cắt giảm chi phí marketing đến 10% so với năm trước, một phản ứng trực tiếp trước sự giảm sút trong hiệu suất kinh doanh. Mặc dù vậy, điều này không ngăn cản các công ty lớn, vững mạnh về tài chính, từ việc tận dụng cơ hội để gia tăng thị phần của mình. Đáng chú ý, các ngành như chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và làm đẹp vẫn duy trì sự ổn định và ít chịu ảnh hưởng bởi những biến động của thị trường.

Góc nhìn của doanh nghiệp về 2024

Trong bối cảnh kinh tế năm 2024, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với cả thách thức và cơ hội. Theo một khảo sát gần đây, cảm nhận chung về triển vọng kinh tế cho thấy một thái độ pha trộn, với 37,3% người được hỏi cho rằng tình hình sẽ “Trung lập”. Tuy nhiên, có một sự cân nhắc giữa lạc quan và bi quan, mỗi quan điểm chiếm 21,8% tổng số người được hỏi, điều này phản ánh một tâm lý phân vân trong cộng đồng doanh nghiệp.

Nguồn: Khảo sát kinh doanh & Marketing 202, n=110, 60% là head, director, business owners 85% là board management & marketing – 11/2023

Khi nhìn vào triển vọng cụ thể của các công ty, có đến 50% người được hỏi dự đoán công ty của họ sẽ gặp “khó khăn” trong năm tới, trong khi chỉ có 18,2% kỳ vọng vào “tăng trưởng”. Điều này có thể là dấu hiệu của một môi trường kinh doanh đầy thử thách, nơi các doanh nghiệp cần phải chú trọng vào việc duy trì sự ổn định và linh hoạt trong chiến lược của mình.

Nguồn: Khảo sát kinh doanh & Marketing 2024, n=110, 60% là head, director, business owners 85% là board management & marketing – 11/2023

Trong lĩnh vực marketing, gần 50% doanh nghiệp dự kiến sẽ “Giữ mức ngân sách” hiện tại, trong khi 28,2% lại muốn “Mở rộng kinh doanh.” Điều này cho thấy mặc dù có những lo ngại về kinh tế, nhiều doanh nghiệp vẫn đang tìm cách mở rộng kinh doanh và đầu tư thêm.

Nguồn: Khảo sát kinh doanh & Marketing 202, n=110, 60% là head, director, business owners 85% là board management & marketing – 11/2023

Đặc biệt, khi nhìn vào các xu hướng marketing dự kiến sẽ phổ biến trong năm 2024, “Ecommerce”, “Social Commerce” và “Ứng dụng AI” đang dẫn đầu với những đánh giá cao từ người tham gia khảo sát. Điều này không chỉ phản ánh sự tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử mà còn cho thấy sự chấp nhận rộng rãi của công nghệ AI trong các chiến lược marketing. Trong khi đó, “KOL, KOC & Influencers” và “Hành vi & niềm tin người tiêu dùng năm 2024” vẫn được coi là quan trọng, thể hiện sự nhấn mạnh vào marketing tập trung vào niềm tin của người dùng.

Nguồn: Khảo sát kinh doanh & Marketing 2024, n=110, 60% là head, director, business owners 85% là board management & marketing – 11/2023

Kết luận: Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì trước những thay đổi này?

Năm 2023 chứng kiến nền kinh tế Việt Nam hồi phục với lợi nhuận sau thuế tăng 7%, dẫn đầu là các ngành dầu khí, tài nguyên và dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, cắt giảm nhân sự gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý tiêu dùng và kết quả kinh doanh ngành hàng tiêu dùng. Thị trường doanh nghiệp có sự phân hóa, với sự ra đời của doanh nghiệp mới và đóng cửa của nhiều công ty khác.

Trước những thay đổi liên tục và đầy thách thức của nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng thích ứng và đổi mới để không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ. Điều này yêu cầu doanh nghiệp phải tái cấu trúc chiến lược kinh doanh và marketing, hòa mình cùng xu hướng của người tiêu dùng. Trong bối cảnh này, “Chinh phục 2024: Tối ưu ROI” không chỉ là một nguồn tài nguyên quý giá mà còn là kim chỉ nam cho các nhà lãnh đạo tiên phong, giúp họ hiểu rõ hơn về bối cảnh kinh tế toàn cầu và Việt Nam, dự báo những thay đổi sắp tới, và định hình chiến lược phù hợp.